Bảo vệ ngân hàng có nên đối đầu với cướp có súng?Mấy ngày qua, dư luận xôn xao trước việc một kẻ bịt mặt, cầm súng xông vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chi nhánh thị xã Duyên Hải, rồi cướp đi hơn 1,5 tỷ đồng và 35.900 USD mà không gặp phải sự phản kháng nào từ nhân viên ngân hàng. Đặc biệt, việc bảo vệ ngân hàng này khi vừa thấy tên cướp xông vào đã vội chạy lên lầu để trốn đã khiến cho dư luận lẫn bạn đọc Báo Người Lao Động đưa ra nhiều ý kiến trái chiều. Người bảo đúng, kẻ bảo sai Bạn đọc tên Thúc Vũ tỏ ra thắc mắc: “Đã tách ra khỏi tên cướp trong 5 phút, ít ra anh bảo vệ này cũng có một hành động nào đó như báo động, xô ngã xe tên cướp, gây tiếng động bằng mọi cách, thậm chí… la làng để tên cướp hoảng sợ. Anh hưởng lương mà chỉ biết giữ xe và nhìn khách ra vào ngân hàng thôi sao?”. Bạn đọc có tên Hoàng Đạo, thì: “Bảo vệ kiểu này có nghĩa là tự bảo vệ mạng sống của bảo vệ. Thật rách việc”. Trong khi đó, một bạn đọc khác thì đề xuất tốt nhất các ngân hàng nên ký hợp đồng với bên công an, đừng thuê bảo vệ làm gì, không giải quyết được gì cả.
Camera an ninh ghi lại hình ảnh kẻ cướp bịt mặt xông vào ngân hàng Vietcombank chi nhánh Duyên Hải. Ảnh cắt ra từ clip Bạn đọc tên Liêm đánh giá thêm: “Nói chung là anh bảo vệ này chưa qua đào tạo nghiệp vụ bảo vệ”…. Còn bạn đọc khác đặt câu hỏi: “Tại sao khi chạy lên lầu rồi mà bảo vệ không gọi điện thoại báo công an liền?”. Không đồng tình với những ý kiến chê trách, nhiều bạn đọc tỏ ra cảm thông, thậm chí còn cho rằng việc bỏ chạy khi đối mặt với tên cướp có súng là hành động “thượng sách”. Cụ thể, bạn đọc tên Huynh phân tích: “Trường hợp cướp có súng thì không trách bảo vệ được. Mấy chuyện này có công an lo. Bảo vệ và cả những người khác nữa, trong trường hợp này trước tiên cần phải bảo vệ mình cái đã, trước khi nghĩ đến bảo vệ tài sản. Trả lương người ta bao nhiêu mà bắt người ta bán mạng. Có camera, có nhân chứng rồi, hồi sau thì do công an làm việc thôi”.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ cướp tại Vietcombank chi nhánh Duyên Hải. Ảnh: MINH HÀO Đồng tình với ý kiến trên, bạn đọc tên An tỏ ra thông cảm với hành động của nhân viên bảo vệ, rằng: “Có súng đố ai dám nhào vô. Bảo vệ cũng là con người, lương vài ba triệu mà bỏ mạng thì ai dám. Bảo vệ cũng có cha mẹ, vợ con. Anh chết rồi ai lo cho người nhà. Nếu tên cướp này cầm dao thì trách bảo vệ còn nghe được, chứ cầm súng mà trách thì không nên”. Bạn đọc Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt đưa ra quan điểm: “Bảo vệ chỉ có roi điện thôi, cùng lắm là súng bắn đạn cao su. Lo chạy lên lầu là… thượng sách chứ lớ ngớ là súng nổ chết liền, lấy ai lo vợ con”. Chưa làm tròn nhiệm vụ Để lý giải cho việc bảo vệ ngân hàng có nên đối đầu với cướp có súng hay không, chúng tôi đã trao đổi với những người làm trong ngành ngân hàng, các công ty bảo vệ và người am hiểu về pháp luật. Ông Q.Đ.C., lãnh đạo phòng giao dịch của một ngân hàng có chi nhánh đặt tại TP Cần Thơ, cho biết có nhiều ngân hàng ký hợp đồng với đội ngũ cảnh sát bảo vệ để làm nhiệm vụ bảo về ngân hàng. Tuy nhiên, thông thường thì bảo vệ ngân hàng là nhân viên thuộc công ty “con” của ngân hàng. Công việc chính của họ là quản lý tài sản tại trụ sở và hàng (tiền, ngoại tệ…) đi trên đường. Họ chỉ được trang bị gậy và roi điện, còn súng bắn đạn cao su thì hiện không được sử dụng. Ông T.N., lãnh đạo phòng giao dịch của một ngân hàng có chi nhánh đặt tại TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), cho biết thêm: Lúc bình thường thì bảo vệ trông coi xe cộ, mở cửa cho khách hàng ra vào. Nói là bảo vệ chứ thực chất có nhiều trường hợp người bình thường được đưa vào làm bảo vệ, sau đó cho đi học vài khóa huấn luyện. Do vậy, cả ông C. và ông N. đều cho rằng những bảo vệ này một khi gặp cướp có súng thì… chạy. Về phía những người làm công tác bảo vệ, anh Bùi Tấn Kiệt (phụ trách kinh doanh và hành chính nhân sự của một công ty bảo vệ có chi nhánh đặt tại TP Cần Thơ) cho biết lương của bảo vệ từ 3-5 triệu đồng/tháng. Nhiệm vụ của bảo vệ là giữ an ninh trật tự tại ngân hàng và tài sản được giao (nếu có). Mặc dù chỉ được trang bị roi điện, dùi cui, gậy… nhưng nếu khi gặp tình huống như vụ cướp ngân hàng ở Trà Vinh thì bảo vệ phải tìm cách khống chế đối tượng, hoặc gọi điện báo lực lượng chức năng…
Anh Bùi Tấn Kiệt. Ảnh do nhân vật cung cấp Hơn nữa, một khi thấy người có biểu hiện khả nghi bước vào ngân hàng thì bảo vệ không cho vào, hoặc phải quan sát, theo dõi và đi theo để nắm tình hình. Khi cướp vừa lấy súng ra là kịp thời không chế ngay. Cũng theo anh Kiệt, hiện nay đa phần bảo vệ được tuyển tràn lan, vào là đi làm ngay chứ chưa được đào tạo nên nghiệp vụ không có. “Nếu gặp cướp có súng mà bỏ chạy vì sợ thì khó chấp nhận. Còn nếu chạy tìm chỗ thích hợp để quan sát và điện thoại báo cơ quan chức năng là lựa chọn phù hợp”- anh Kiệt phân tích. Trong khi đó, anh Nguyễn Đình Chiến, một người từng có nhiều năm làm việc tại một công ty bảo vệ ở TP HCM, cho rằng bảo vệ ngân hàng ở Trà Vinh đã bỏ chạy khi thấy cướp có súng là giải pháp hợp lý. Bởi lẽ, tiêu chí không thiệt hại về người luôn đặt lên hàng đầu. Khi đối tượng có hung khí, bảo vệ hay bất kỳ ai, ngoài khả năng khống chế thì nên bình tĩnh, không làm cho đối tượng trở nên liều lĩnh.
Anh Nguyễn Đình Chiến. Ảnh do nhân vật cung cấp Về ý kiến cho rằng do bảo vệ lương vài ba triệu đồng mỗi tháng, lại còn vợ con ở nhà, nên không thể đánh đổi tính mạng của mình, anh Chiến cho rằng ý kiến đó không thể chấp nhận. Bởi lẽ, kể cả lương 15-20 triệu đồng mỗi tháng, nếu phải đánh đổi mạng sống một cách vô nghĩa thì không nên. Ngược lại, nếu trong tình huống nguy cấp, mà sự xả thân của bảo vệ giữ được tính mạng của người khác hoặc nhiều người khác thì dù công việc 2-3 triệu đồng/tháng cũng sẽ được ghi nhận. “Theo tôi được biết, bảo vệ ngân hàng ở Trà Vinh đã chạy lên lầu và rất run sợ. Có thể do còn trẻ, hoặc đây là nhân viên được tuyển vào một cách khá sơ sài. Do đó có thể thông cảm được”- anh Chiến đưa ra quan điểm của mình. Luật sư Trần Thị Ánh, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP HCM), cho biết: Điểm b, khoản 1, điều 10 Nghị định 06/2013/NĐ-CP ngày 09/01/2013 của Chính phủ qui định về nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp là: “Trực tiếp kiểm soát người ra vào cơ quan, doanh nghiệp. Khi xảy ra các vụ việc có liên quan đến an ninh, trật tự và an toàn cơ quan, doanh nghiệp phải tổ chức bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của cơ quan, doanh nghiệp, cấp cứu nạn nhân, bắt người phạm tội quả tang và báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất”.
Luật sư Trần Thị Ánh. Ảnh do nhân vật cung cấp Đối với trường hợp ngân hàng ở Trà Vinh, bảo vệ thấy cướp có súng thì bỏ chạy lên lầu là chưa làm đúng nhiệm vụ của mình, bởi người bảo vệ phải dựa vào khả năng về nghiệp vụ chuyên môn cũng như kinh nghiệm của một người bảo vệ, phải kịp thời phát hiện những đối tượng có dấu hiệu khả nghi, đưa ra biện pháp ngăn chặn và bảo vệ sự an ninh của ngân hàng. Tuy nhiên, phải hết sức khéo léo, bản lĩnh, tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra đối với những tên cướp có vũ khí… |
Reader Comments